Chính quyền địa phương phải là “bà đỡ” mát tay

Từ năm 2008, nhà báo Lê Quốc Vinh đã tham gia chiến dịch vận động thúc đẩy nhận thức chung của xã hội về công nghiệp sáng tạo/ công nghiệp văn hóa ở Việt Nam do Hội đồng Anh tại Việt Nam khởi xướng, với sự đồng hành của UNESCO, UN-habitat và nhiều cơ quan quốc tế khác. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trao đổi với ông chung quanh chủ đề thúc đẩy sự phát triển thực chất của mô hình thành phố sáng tạo ở Việt Nam.

– Thưa ông, đã sang năm thứ tư kể từ khi TP Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Trong quan sát của ông, Hà Nội đã có những đổi thay gì kể từ thời điểm đó?

– Mục đích của “Thành phố sáng tạo” là biến sáng tạo thành trung tâm của sự phát triển của thành phố. Còn “sáng tạo” trong lĩnh vực nào, chiểu theo các tiêu chí và sự phân chia của UNESCO, tùy địa phương lựa chọn và lĩnh vực đó sẽ là phương tiện, “thỏi nam châm” thu hút sự tập trung phát triển, là đòn bẩy chính để thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Nhiều nhà tư vấn cũng đã lên tiếng về việc nếu TP Hà Nội chọn thiết kế thì thiết kế phải được hiện diện trong đời sống, hơi thở của nó phải được cảm nhận bởi từ người làm việc trong lĩnh vực này, người dân sống ở đây cho đến khách du lịch. Nhưng tiếc là cho đến nay, Hà Nội chưa tạo ra được cảm giác đó. Đi khắp Hà Nội, thật khó nhận thấy được vóc dáng của sự sáng tạo hay sự sôi động của ứng dụng thiết kế trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội.

Nếu được hỏi: Kể từ khi trở thành thành viên của mạng lưới Thành phố sáng tạo với lĩnh vực thiết kế, Hà Nội đã có hoạt động gì về thiết kế mang tính ảnh hưởng cho cộng đồng? Câu trả lời của tôi là: Không.

Mặc dù có một vài sự kiện về thiết kế nhưng mang quy mô nhỏ, lẻ, hầu như chỉ người làm chuyên môn mới biết đến. Các không gian sáng tạo ở Hà Nội từ trước khi có danh hiệu này cho đến nay vẫn hoạt động vậy, vẫn hiếm hoi, nhỏ nhắn, được duy trì bởi nỗ lực của cá nhân các chủ không gian mà phần lớn trong số họ là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Thành phố chưa có một không gian sáng tạo tầm cỡ, nơi thể hiện rõ sự hiện diện của chính quyền thành phố hoặc một cơ quan vận hành do thành phố cử ra, với vai trò là “bà đỡ” mát tay cho hoạt động sáng tạo.

Không gian công cộng nào ở Hà Nội có thể là nơi hội tụ của thiết kế sáng tạo? Cũng chưa có luôn. Thành phố có các khu phố đi bộ vào dịp cuối tuần nhưng ngoài việc đi bộ và một số hoạt động mua bán, giải trí tự phát, ở đó có gì nữa?…

– Cho đến nay, TP Hà Nội vẫn là địa phương duy nhất ở Việt Nam có tên trong danh sách thành viên mạng lưới Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Nhưng một số phân tích vừa rồi của ông lại cho thấy ít nhiều có sự không thực chất của danh hiệu. Tôi không nghĩ rằng, chính quyền thành phố thờ ơ trước thực tiễn này…

– Tôi đồng ý. Thành phố đã tổ chức khá nhiều hội thảo liên quan với sự tham gia của đông đảo các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn quốc tế, tổ chức và cá nhân nóng lòng muốn đóng góp, làm gì đó cho Thành phố sáng tạo này. Điều đó chứng tỏ chính quyền thành phố rất quan tâm. Nhưng có lẽ vì Hà Nội rộng lớn quá chăng, nên cho dù có các chỉ dấu về thiết kế sáng tạo song chưa thể dễ dàng tạo ảnh hưởng tới đại đa số dân chúng, hoặc vì nó rộng lớn quá nên chính quyền thành phố muốn làm mà chưa biết bắt đầu từ đâu…

– Ông khiến tôi liên tưởng đến Huế (Thừa Thiên Huế), phải chăng địa phương này nhỏ hơn Hà Nội về diện tích nên các hoạt động thúc đẩy sáng tạo ở đây dễ dàng được thực hiện đồng bộ, định kỳ hơn chăng?

– Cũng có thể (cười). Tôi nhận thấy, chính quyền thành phố Huế có thể thận trọng trong các quyết sách về phát triển hạ tầng đô thị theo hướng mở rộng, lên cao tầng, các khu công nghiệp,… nhưng rất cởi mở trong đầu tư cho sáng tạo. Thành phố có chiến lược rõ ràng và kiên trì với nó. Mô hình Festival bốn mùa đã tạo không gian mở để người dân thành phố chủ động thích ứng và tham gia theo cách của họ, tạo nên một phong trào rộng khắp và không chỉ có vậy. Một thí dụ: Festival Nghề truyền thống Huế đến nay đã qua kỳ thứ chín, kỳ sau được cải thiện so kỳ trước, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Thành phố chủ động trong việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa và tạo không gian, cơ chế chính sách cụ thể cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thật sự muốn tham gia các hoạt động sáng tạo một cách lành mạnh và phù hợp sự phát triển của địa phương. Chính quyền địa phương cũng thể hiện sự ủng hộ doanh nghiệp sáng tạo địa phương thông qua nhiều hành động cụ thể, như mua sản phẩm thủ công của họ làm quà tặng, tổ chức không gian trưng bày, triển lãm, góp phần làm lan tỏa ảnh hưởng tích cực của giá trị sản phẩm đến cộng đồng xã hội.

Chính vì thế, không chỉ trong thời gian Festival, mà quanh năm, tinh thần sáng tạo ở thành phố này được đẩy lên cao, xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp trẻ, người trẻ xa quê về lại Huế lập nghiệp vì họ cảm thấy có động lực, có cơ hội phát triển.

Việc bảo tồn và thúc đẩy sự phát triển của nghề làm hoa giấy truyền thống Thanh Tiên đã được triển khai tốt với sự ra đời của Maypaperflower, một doanh nghiệp sáng tạo, thiết kế mẫu mới và dẫn hướng nhu cầu sử dụng sản phẩm này tới công chúng. Nón Huế đã không chỉ là chiếc nón truyền thống mà đã được làm từ lá sen, cỏ bàng, hoặc được vẽ tay, thêm nhiều thiết kế trang trí tạo nên sự độc đáo, khác biệt mà vẫn giữ được vẻ Huế…

Chính vì người sáng tạo có động lực tụ về Huế nên họ lại tạo động lực mới cho nhiều thành phần xã hội khác, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào đổi mới sáng tạo. Và đây chính là hiệu quả về lâu dài của việc chính quyền ủng hộ, tạo chính sách và tinh thần cởi mở cho sự sáng tạo, chứ không phải chỉ là thu hút lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm viếng trong dịp diễn ra các liên hoan.

Đến hiện tại, nếu chiểu theo các tiêu chí và sự phân chia của UNESCO về Thành phố sáng tạo, tôi tin rằng Huế đủ tiêu chuẩn để trở thành Thành phố sáng tạo về di sản văn hóa, hoặc thủ công truyền thống, thậm chí cả ẩm thực, cho dù đến nay, địa phương này chưa lên kế hoạch đệ trình hồ sơ về Thành phố sáng tạo lên UNESCO.

– Từ thực tiễn Huế, ông có thể có tham vấn nào cho Hà Nội và rộng hơn, cho các thành phố khác muốn tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO?

– Không có một địa phương nào phát triển được sự sáng tạo/công nghiệp sáng tạo nếu không có sự quyết tâm triển khai của chính quyền địa phương. Họ không nhất thiết phải trợ giúp tài chính cho doanh nghiệp hay cá nhân sáng tạo mà việc cốt lõi là tạo nền tảng cơ hội cho người sáng tạo với hệ thống chính sách vừa mang tầm nhìn dài hạn, bền vững, vừa chứa đựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn ngắn hạn, thậm chí là từng năm. Nói cách khác, chính quyền địa phương phải kiến tạo không gian cho sự sáng tạo và tạo động lực cho sự phát triển sáng tạo ở đó chứ không thể thụ động chờ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo đề xuất kế hoạch đơn lẻ.

Trở lại với Hà Nội, giả sử chính quyền thành phố thấy địa phương quá lớn, có thể chọn một quận làm điểm – xây dựng thành Quận thiết kế sáng tạo, như mô hình Miami Design District (Mỹ) đã làm, thậm chí, trước mắt, thành phố có thể tập hợp mọi dạng thiết kế sáng tạo về một không gian/ khu vực tổ chức sự kiện/triển lãm cụ thể, giao cho một cơ quan đại diện đứng ra vận hành theo mô hình công-tư kết hợp: Thành phố dành quỹ đất và đầu tư hạ tầng cơ sở, đơn vị tổ chức sẽ vận hành các chương trình, sự kiện định kỳ, quanh năm, tạo điểm đến cụ thể, rộng mở cho mọi sáng tạo…

Rõ ràng, Thủ đô Hà Nội có rất nhiều công ty, cá nhân tham gia lĩnh vực thiết kế sáng tạo, công nghiệp văn hóa, nhưng để quy tụ họ lại thành một nguồn lực tổng hợp thì phải là nhiệm vụ của chính quyền sở tại.

– Chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *