Không bán trú

Ngày 8/2, con trai tôi quay lại trường học. Suốt năm lớp 10, lớp đầu tiên của bậc phổ thông trung học, có thêm bạn mới, nhưng tới hôm đó, lũ trẻ mới lần đầu gặp nhau thật sự, chứ không phải qua màn hình Teams hay Zoom.

Để bước vào “bình thường mới”, cậu được chuẩn bị khẩu trang, kính chống giọt bắn, gel sát khuẩn, bình nước cá nhân, và những lời dặn dò về phương thức tự bảo vệ mình và phòng tránh cho bạn bè.

Sau ba ngày đến trường, con trai tôi nhận được tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm: Trên xe buýt có một bạn dương tính. Con tôi và một bạn nữa trong lớp trở thành F1, phải học online một tuần. Tất nhiên, toàn bộ lớp có bạn dương tính cũng ở nhà. Đó là một trong những tình huống “bình thường mới” ở Hà Nội.

Gia đình chúng tôi, kể cả cậu con trai vừa hớn hở quay lại trường mấy hôm trước, và các thầy cô giáo đều đón nhận tình huống này một cách bình thản, như những gì chúng tôi đã tiên liệu và chuẩn bị sẵn sàng. Ở quy mô rộng hơn, với một số gia đình, tình trạng on-off này có thể gây ra những thách thức nhỏ, làm xáo trộn cuộc sống vốn vẫn chưa ổn định vì Covid-19. Nhưng tôi tin, sau hơn hai năm bị Covid “vật lên vật xuống”, những thách thức này với các gia đình là không đáng kể. Tôi có xu hướng nhìn nhận việc này như những bước tập dượt cần thiết để thích ứng khi Covid-19 trở thành căn bệnh đặc hữu.

Một khi đã cho con đi học là phụ huynh tiên liệu được con cái có thể rơi vào tình trạng gián đoạn nhất định, tương tự chính người lớn đã phải sống cảnh nay đến cơ quan, mai lại phải ở nhà suốt thời gian qua.

Điều gây phiền toái gấp bội theo tôi là cách mở cửa trường thiếu đồng bộ của Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Những địa phương này quy định học sinh chỉ đến trường nửa buổi, không bố trí ăn tại chỗ, buổi chiều học online. Người lớn khủng hoảng vì phải chạy đi chạy về đưa đón, trông nom, lo bữa trưa bữa sáng, rồi lại tất tả đi làm.

Cổng trường ùn ứ trong giờ đón con, vì quy định phụ huynh không được vào trường. Điều khó hiểu là, với những quy định kiểu “dập dòm” như vậy, liệu con cái chúng ta có an toàn hơn?

Con tôi và các bạn của cháu, dù có học nửa buổi thì nguy cơ thành F1 không giảm bớt so với học cả ngày. Chưa kể, rủi ro tăng thêm vì người lớn tất tả ngược xuôi, nay nhờ người này, mai nhờ người kia đưa đón. Hệ lụy tiêu cực của quy định hiện hành nhiều hơn khả năng đảm bảo an toàn của nó.

Trong nghề truyền thông marketing của tôi, hiểu khách hàng là điều tối quan trọng. Thậm chí, thấu hiểu trải nghiệm con người là tiêu chí bắt buộc khi đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến khách hàng của mình. Người làm chính sách công càng phải đặt trải nghiệm con người trước những quyết định tác động tới số đông.

Một số trường học không có khả năng bố trí bán trú, vì diện tích chật hẹp, vì thiếu không gian giãn cách, vì học sinh đông. Nhưng nhiều trường đủ điều kiện đảm bảo 5K rất tốt. Tuy nhiên, chính sách “không bán trú” dường như chưa tính toán đến trải nghiệm khác nhau của mỗi cá nhân và nhóm cộng đồng.

Tình hình đã thay đổi. Hôm nay, nếu phải sống giữa hai căn hộ bị dán giấy đỏ thông báo tạm thời cách ly, điều đó không còn gây lo lắng thái quá.

Sau vài ngày tạm ở nhà, xét nghiệm âm tính, con trai tôi lại được đến trường. Cách chống virus hiệu quả nhất hôm nay là không sợ nó, là cho cuộc sống guồng chạy, trong khi chủ động đối phó với Covid.

Đó là thái độ cần thiết để đưa cuộc sống quay lại quỹ đạo. Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nói rằng: “Đóng cửa trường học chỉ là biện pháp tạm thời và là biện pháp cuối cùng trong ứng phó với đại dịch. Trường học phải được ưu tiên mở cửa đầu tiên khi các biện pháp cách ly được dỡ bỏ”.

Và khi mở cửa, người làm chính sách công không thể lựa chọn giải pháp an toàn cho mình, đẩy cái khó cho dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *